[Chiến thất quốc] Tiết tử

on

Văn án.

Chiến quốc, Bách gia, Chư tử.[1]

Anh hùng, đế vương, mãnh tướng.

Gà nhà đá nhau, khác tộc tương trợ.

 .

Thời ấy có một gã hành giả. Sử sách không chép.

Nhân vật chính Hạo Nhiên và Tử Tân đến từ ba nghìn năm sau, vì tìm kiếm năm món thần khí thất lạc mà quay về thời đại Chiến quốc.

 .

Binh đao khói lửa, tranh hùng xưng bá.

Năm món thần khí đã mất liệu còn có thể tìm lại? Lịch sử, liệu có thể không thay đổi?

—–

.

[1] Bách gia Chư tử: thời đại hoàng kim của các giáo phái tư tưởng của Trung Quốc, xảy ra vào giai đoạn Xuân Thu Chiến Quốc.

 .

 .

.

Tiết tử.

Năm thứ 75 sau khi chiến tranh hạt nhân trên thế giới bùng nổ.

Thế giới đổ nát, thần điện lặng tờ.

Giữa tế đàn, có một con chim.

Con chim mày trắng rũ dài chấm đất, chứng tỏ tuổi đã cao, sức đã yếu, giọng nói già nua cất lên: “Các ngươi vất vả rồi.”

Hạo Nhiên cúi người buộc lại dây giày, cầm lấy thanh đại kiếm đang dựa vào tường, đeo ra sau lưng rồi đứng thẳng người, nói: “Hạo Nhiên đã chuẩn bị xong rồi.”

Con chim giang đôi cánh, một tia chớp hiện ra phá nát nền đất của thần điện, chạy xuyên qua màn trời đen kịt. Vạn cổ Huyền môn mở rộng, hiện ra đường hầm thời gian với hàng vạn tia chớp giật tán loạn. Hạo Nhiên nhắm mắt lại, hai chân dần rời khỏi mặt đất, cơ thể thon dài bồng bềnh trong không trung, rồi bị hút vào trong đường hầm thời gian.

Một luồng lực lớn không thể chống cự lại nổi kéo y xuống dưới lòng vực sâu thăm thẳm với tốc độ chóng mặt.

Chung, kiếm, phủ, hồ, tháp; cầm, đỉnh, ấn, kính, thạch. Chỉ khi nào thu thập đủ mười loại thượng cổ thần khí mới có thể cứu được thế giới khỏi mối họa hạt nhân, khiến đại địa phục hồi sức sống.

Trước đó, y cũng đã từng xuyên qua thời không như thế này, trở về năm nghìn năm trước, thời nhà Ân, tìm lại được Hiên Viên kiếm.

Hôm nay, lại bắt đầu bước tiếp trên con đường hiểm nguy trùng trùng. Nhưng lần này còn có Hiên Viên kiếm trên lưng, là thanh kiếm sắc bén vô song, là biểu tượng của vương đạo, hơn nữa, thân là thần khí đứng đầu – Đông Hoàng chung, Hạo Nhiên không còn lo sợ gì nữa.

Đông Hoàng chung, Hiên Viên kiếm, trên đời có ai địch lại nổi?

Y trôi giữa dòng thời gian cuồn cuộn chảy, có vô số cảnh tượng đập vào mắt, mà ký ức sâu nhất chính là: ở một góc sân vắng vẻ nào đó, gió mát đong đưa, trên bàn đá có một bàn cờ.

Bàn cờ trống không, chỉ còn một quân tướng, một quân soái[2].

Ván cờ thiên cổ? Là bàn cờ của ai?

Hạo Nhiên mỉm cười, vươn tay ra, nhưng cảnh tượng đó bỗng nhiên trôi xa dần, rồi biến mất trong hư không.

Trước mắt quang mang vạn trượng, phía cuối đường hầm thời gian bị phá vỡ.

—–

.

[2] Cờ tướng. Chữ Phồn thể trên các quân, quân tướng ở bên đỏ là chữ “Soái”, bên đen là chữ “Tướng”. Ở nước mình thì cách gọi đều như nhau cả nên cứ chú thích cho dễ hiểu -3-

Bình luận về bài viết này